Đau bụng, đặc biệt đau vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức), là triệu chứng khá phổ biến trong các bệnh thông thường. Phần lớn bệnh nhân cho rằng họ bị đau dạ dày. Tuy nhiên, nhiều khi tình trạng đau bụng này lại do nhiều nguyên nhân khác gây ra.
![]() |
Nguyên nhân đau thượng vị |
Nguyên nhân đau thượng vị
Sau đây là một vài nguyên nhân đau thượng vị phổ biến:
1. Đau dạ dày
- Đau thường xuất hiện trước hoặc sau bữa ăn, hay sau khi uống rượu hoặc hút nhiều thuốc lá.
- Đau nóng rát, hoặc đau chói/quặn.
- Có thể kèm cảm giác đầy hơi ở bụng, ợ hơi, ợ chua hoặc buồn nôn.
- Hay gặp ở người lớn tuổi do sử dụng nhiều thuốc kháng viêm giảm đau.
2. Đau gan hay đường mật
Hay gặp nhất là đau do bệnh lý túi mật.
- Đau thường xuất hiện sau những bữa ăn có nhiều chất béo.
- Đau nặng hay tức vùng thượng vị, hoặc lệch sang dưới sườn phải. Có thể đau lan lên vai bên phải.
- Bệnh nhân có thể đã hoặc đang bị vàng mắt, vàng da, nước tiểu vàng sậm màu. Một số ít có thể bị sốt, đầy hơi ở bụng.
3. Rối loạn chức năng đại tràng
50% bệnh nhân đau vùng thượng vị có thể bị rối loạn chức năng ở ruột già. Triệu chứng bệnh thường giảm sau khi đi đại tiện, nặng lên khi uống nhiều rượu bia, ăn nhiều gia vị nóng/cay, căng thẳng tâm lý, hoặc mất ngủ...
4. Nhiễm ký sinh trùng tiêu hóa
Các loại giun, sán cũng có thể gây đau bụng vùng thượng vị, kèm theo rối loạn đại tiện, nổi mề đay, thiếu máu, gầy ốm.
5. Bệnh tim mạch
Đau bụng vùng thượng vị có thể xuất hiện ở một số bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh thiếu máu cơ tim, một số người bị bệnh mạch máu ở bụng hay ruột (hiếm gặp).
Tìm hiểu thêm về: Triệu chứng đau thượng vị
6. Sang chấn tâm lý
Người bị căng thẳng, lo âu kéo dài cũng có thể cảm thấy đau bụng thượng vị mơ hồ, kèm theo chán ăn, rối loạn giấc ngủ, giảm tập trung, giảm trí nhớ.
7. Dùng nhiều mì chính
Khi nấu ăn, sử dụng nhiều bột ngọt hay do cơ thể nhạy cảm, một số người sẽ có triệu chứng đau tức vùng thượng vị sau ăn, kèm theo nhức đầu, dị cảm vùng da mặt hay rối loạn đại tiện.
Việc chẩn đoán bệnh không chỉ đơn thuần dựa vào triệu chứng bệnh mà đôi khi còn cần sự trợ giúp của các phương tiện xét nghiệm khác. Do vậy, nếu đau bụng thượng vị kéo dài hơn 2 tuần nên nhờ một bác sĩ nội khoa kiểm tra, điều trị đúng nguyên nhân và theo dõi diễn tiến.
Bệnh nhân có các yếu tố sau nên được bác sĩ kiểm tra sớm hơn và chi tiết hơn để loại trừ sớm bệnh lý ác tính (ung thư):
- Tuổi trên 60.
- Sụt cân hơn 10% trọng lượng cơ thể không rõ nguyên nhân.
- Sốt, vàng da/vàng mắt/tiểu vàng sậm màu.
- Đi ngoài ra máu hay nôn ra máu.
- Buồn nôn hay nôn ói thường xuyên.
Để hiểu rõ hơn về đau thượng vị, mời bạn xem thêm: Đau thượng vị là gì? và các phương pháp điều trị đau thượng vị trên Website Doctor Check.
Biện pháp phòng ngừa triệu chứng đau thượng vị
Để phòng ngừa triệu chứng đau thượng vị, Cô Bác, Anh Chị cần chú ý đến chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh đồng thời kết hợp với lối sống khoa học.
- Bổ sung nhiều nước cho cơ thể, ăn nhiều rau củ quả, trái cây nhằm trung hòa axit dịch vị dạ dày.
- Chia nhỏ bữa ăn từ 5 – 6 lần trong ngày, không ăn quá no cũng như không để bụng quá đói, ăn đúng bữa, đúng giờ.
- Nên ăn nhẹ vào đêm, tránh tình trạng để bụng rỗng.
- Tránh các loại thức ăn khó tiêu và dễ kích thích như gia vị cay, nóng, quá cứng, nhiều dầu mỡ,…
- Ưu tiên các nhóm thực phẩm tinh bột như cơm, bột mì, bột năng, bánh,… bởi chúng có tác dụng giảm tiết dịch vị và dễ thẩm thấu qua niêm mạc dạ dày.
- Uống thêm sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa, trứng nếu Cô Bác, Anh Chị không mắc hội chứng không dung nạp lactose.
- Nên sử dụng và chế biến các món ăn mềm, hạn chế thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn.
- Nên ăn chậm nhai kỹ.
- Nghĩ ngơi hợp lý, khoa học, không thức quá khuya và ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ và ăn uống điều độ.
- Cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giữ tâm lý luôn thoải mái, vui vẻ tránh tình trạng stress kéo dài.
- Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày.
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ giúp phát hiện và phòng ngừa các bệnh lý ở hệ tiêu hóa.
Nội soi ống tiêu hóa
- Nội soi ống tiêu hóa trên bao gồm nội soi thực quản, nội soi dạ dày hoặc tá tràng giúp bác sĩ quan sát được tình trạng toàn bộ ống tiêu hóa trên, xác định chính xác vị trí tổn thương và nguyên nhân gây ra tổn thương.
- Nội soi ống tiêu hóa được chỉ định đối với các trường hợp xuất hiện các triệu chứng đau dữ dội, phân có màu đen, đau vùng thượng vị lan dần xuống bụng dưới,…
Các phương pháp nội soi ngày nay đã hạn chế xâm lấn tế bào nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, kết hợp với ống nội soi có chức năng phóng đại trên 500 lần, giúp bác sĩ có thể quan sát đến mức độ tế bào, vì thế sinh thiết sẽ được hạn chế.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp nguy hiểm, không thể xác định nguyên nhân hoặc bác sĩ có nghi ngờ dấu hiệu ung thư vẫn sẽ sinh thiết tế bào và giải phẫu bệnh nhằm ngăn ngừa ung thư trong giai đoạn sớm.
Nguồn bài viết: https://vnexpress.net/dau-vung-thuong-vi-2249840.html
Post A Comment:
0 comments: